Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đào Đình Tùng - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy- Bí thư Thành ủy; đồng chí Đỗ Hoàng Hải – Tỉnh uỷ viên - Phó Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong Thường trực Thành uỷ, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố, trưởng các ngành, đoàn thể, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố.
Theo báo cáo sơ bộ của UBND thành phố, tính đến chiều ngày 11/9 trên địa bàn Thành phố có 16 địa phương đã có vùng ngập lụt, gần 2 nghìn hộ dân đã phải di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên hiện nay mực nước trên sông Đáy vẫn tiếp tục dâng cao, có nguy cơ tràn vào một số điểm trũng thấp khác của Thành phố và có khoảng trên 2 nghìn hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ. Trọng điểm như khu vực Bắc Châu Giang (khu vực phường Lam Hạ); tuyến đường Lê Lợi (khu vực sau Chợ bầu).
Trước tình hình trên, tại cuộc họp các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố cũng đã phân tích, đánh giá tình hình của từng khu vực, điểm xung yếu có nguy cơ nước sông tràn vào khu dân cư. Đồng thời bàn bạc, đưa ra các phương án, biện pháp chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Căn cứ vào tình hình thực tế và các ý kiến tham mưu, đề xuất của các đại biểu tại cuộc họp, đồng chí Đào Đình Tùng- Uỷ viên BTV Tỉnh ủy- Bí thư Thành ủy và đồng chí Đỗ Hoàng Hải – Tỉnh uỷ viên - Phó Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu: Các phòng, ban, ngành chuyên của Thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở, tràn đê; Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện đảm bảo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó kịp thời. Tuyên truyền, vận động nhân dân tại những nơi có nguy cơ ngập lụt chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt quan tâm cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các điểm sơ tán và những vùng bị ngập lụt, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Đảm bảo ANTT, hướng dẫn, phân luồng giao thông để nhân dân đi lại an toàn. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thu gom, xử lý chất thải, rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ. Chủ động huy động nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, lũ, nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân…