Về dự tại điểm cầu Thành phố Phủ Lý có đồng chí Lữ Mai Thanh Tùng – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, các đồng chí thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các ban ngành đoàn thể của thành phố. Tại điểm cầu các phường, xã có UBND các phường, xã, thường trực Đảng ủy, HĐND, lãnh đạo UBND các phường, xã, chủ tịch MTTQ, Hội CCB, Hội LHPN, Hội Nông dân, đoàn thanh niên, công chức văn phòng Đảng ủy, văn phòng thống kê 21 đơn vị phường, xã, các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban thanh tra nhân dân.
Tại hội nghị trực tuyến, đồng chí Lữ Mai Thanh Tùng – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đã phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật. Theo đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật đã thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hoá đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" cũng như cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tại hội nghị, báo cáo viên Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đã phân tích chuyên sâu một số nội dung mới của Luật như: Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm; bổ sung 7 hình thức công khai thông tin; một số nội dung phải công khai thông tin cho phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã, phường theo hướng bổ sung các vấn đề dân bàn và quyết định trực tiếp; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền…
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền dân chủ cho nhân dân, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước… Đồng thời giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố nắm vững nội dung cơ bản, mục tiêu, quan điểm trong việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Quốc hội khóa XV. Từ đó lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thành phố phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức, cơ quan, đơn vị./.