Trong không khí thành kính, ấm áp và đầy hoan hỉ của ngày đại lễ, mọi người được lắng nghe về ý nghĩa Vu Lan do sư thầy Thích Đàm Ngọc – trưởng Ban tổ chức đại lễ chia sẻ: “Hôm nay chúng ta lại có mặt nơi đây trong không gian tràn ngập hoa hồng và đầy ắp hoài niệm về ơn cha nghĩa mẹ, để đón mùa Vu Lan báo hiếu trong tinh thần tứ trọng ân của Phật giáo”. Đức Phật từng dạy các chúng đệ tử: “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, và hiển nhiên điều này chính là cội nguồn tốt đẹp đạo đức tâm linh đã gắn kết keo sơn giữa Phật giáo và Dân tộc Việt Nam”.
Tại buổi lễ Vu Lan Báo hiếu, các nghi thức báo hiếu được thực hiện như: Dâng y cúng dàng; thuyết giảng bài cảm niệm cha mẹ (về ý nghĩa hoa hồng cài ngực trong ngày lễ Vu Lan, ngực ai cài hoa hồng đỏ là người hạnh phúc nhất vì còn cả cha và mẹ; ngực cài hoa hồng nhạt là người đã mất đi cha hoặc mẹ; ngực cài hoa trắng là người đã mất cả cha và mẹ); lễ dâng y của phật tử với chư tăng tỏ lòng cảm ơn chư tăng đã hồi hướng cha mẹ và bài thuyết pháp chư tôn đức chứng minh. Thiêng liêng nhất là nghi thức cài hoa hồng cho các chư tôn Đức và toàn thể Phật tử đến dự lễ Vu Lan.
Cũng tại buổi lễ, những ngọn nến tri ân được thắp lên nguyện cầu song thân hiện tiền được tăng phước, tăng thọ; cha mẹ quá vãng được siêu sinh tịnh độ.
Đại Lễ Vu Lan là một trong những nghi lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được tổ chức vào dịp rằm tháng bảy hàng năm. Đây là dịp để mỗi người tưởng nhớ, tri ân và báo ân công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha ông bà, tổ tiên. Đồng thời giúp mọi người tiếp cận ý nghĩa giáo dục đầy nhân văn của văn hóa Phật giáo về chữ hiếu thuận, hiếu nghĩa, hiếu lễ, đạo lý uống nước nhớ nguồn./.