Tại hội nghị, các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2023 đã giới thiệu 09 sản phẩm gồm: 5 Sản phẩm: Trà ướp bông sen,Trà hoa súng, đông trùng hạ thảo, rượu sen, rượu đông trùng hạ thảo- của HTX Hoàng Trà xã Phù Vân; Giỏ lục bình đa năng của HTX DVNN xã Trịnh Xá; Dưa chuột của HTX DVNN Thanh Bình- xã Đinh Xá; Bánh đa nướng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lý - phường Thanh Tuyền; Bún khô của hộ kinh doanh Ngô Văn Trường- xã Đinh Xá. Sau khi nghe các chủ thể trình bày, giới thiệu về mẫu mã, chất lượng, quy trình đóng gói và khả năng mở rộng thị trường của các sản phẩm, các thành viên Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của thành phố Phủ Lý đã nghiên cứu và xem xét kỹ sản phẩm, thảo luận, đánh giá, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Kết quả, 09 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là các sản phẩm được đánh giá có nhiều cải tiến về chất lượng, vệ sinh ATTP, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bao bì, nhãn mác theo quy định. Sản phẩm xuất phát từ nhu cầu đời sống, nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, thực hiện chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm OCOP", Thành phố Phủ Lý xác định đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến hết năm 2023 toàn Thành phố đã có 22 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao vượt chỉ tiêu đã đề ra. Những sản phẩm được cấp sao OCOP là những sản phẩm có uy tín và là cơ sở để giúp cho doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh phát triển, góp phần tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Năm 2024, các phòng, ban, ngành liên quan, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố tiếp tục ưu tiên đưa nội dung triển khai Chương trình OCOP thành nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để thực hiện có hiệu quả Chương trình. Toàn thành phố phấn đấu có thêm từ 3 - 5 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên; đồng thời duy trì, củng cố 50% và nâng cấp 10% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Phát triển mới và củng cố 2 - 3 tổ chức kinh tế (Hợp tác xã hoặc Doanh nghiệp vừa và nhỏ) và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…). Cùng với đó TP đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP theo KH triển khai của TP khi thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Hà Nam và tình hình thực tế tại địa phương./.