Về dự lễ hội có đồng chí Phạm Minh Nhất – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh; đồng chí Phạm Đình Hoàng – Phó phòng nghiệp vụ Di tích, Bảo tàng tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao TP. Phủ Lý; các đồng chí trong Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương xã Phù Vân.
Theo sử sách ghi lại, Làng Phù Khê, tổng Phù Đạm, huyện Đệ Kim Bảng, Phủ Lý Nhân, Trấn Sơn Nam Thượng, tỉnh Hà Nội (nay là làng Phù Đạm, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) có từ trước năm thứ 2 sau Công Nguyên. Trải qua chiều dài lịch sử hơn hai nghìn năm, trên quê hương Phù Đạm, Phù Vân đã hình thành nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể truyền thống khá dầy và đặc sắc gồm: đình, đền, chùa, miếu, quán, văn chỉ… .
Theo các bậc tiền nhân truyền lại, dân làng Phù Đạm thờ bốn vị đức Thành hoàng làng và một vị Hậu thần làng, gồm: Đức Thánh; Đức cần Thiện Cư Sỹ; Vua Bà Thánh Mẫu; Triệu Nam Tống Cung Phi và Hậu thần làng Lại Đức Hoành, đều là những nhân thần có công lớn trong phò vua, giúp nước, an dân, mở mang đất đai, xây dựng quê hương.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" và giữ gìn, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc, hằng năm dân làng Phù Đạm lấy ngày 12 tháng 11 âm lịch (Ngày sinh Đức Cần Thiện Cư Sĩ) là ngày mở hội việc làng, tổ chức tế lễ cầu quốc thái, dân an, dâng hương tưởng nhớ công đức của Tứ vị Thành hoàng làng, Hậu thần làng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Rước chân nhang Tứ Đức Thành Hoàng Làng, hậu Thần Làng từ Đình làng về Đền Chánh; múa lân sư rồng, trống hội, bát âm, tế nam quan…
Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương, nhân dân làng Phù Đạm đã tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất sưu tầm, biên soạn công bố tư liệu; trùng tu, tôn tạo các di tích, phục dựng các nghi thức tế lễ truyền thống... để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn, từ đó thêm tự hào về truyền thống quê hương. Năm 2024, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong làng và những người con quê hương đang công tác, sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, với mong muốn được bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các Di tích ngày càng tôn nghiêm, tương xứng với giá trị văn hoá lịch sử của các Di tích. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Ban Quản lý di tích Đình Phù Đạm và chính quyền địa phương cùng sự chung tay, góp sức của con em quê hương công tác tu bổ, phục hồi ngôi Đình làng Phù Đạm đã được xây dựng, tôn tạo, phục hồi, đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng của người dân trong làng.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia bảo tồn, tôn vinh, lưu truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng quê hương Phù Đạm, Phù Vân ngày càng giàu đẹp, văn minh./.