Trong những năm qua, thực hiện văn bản Liên tịch giữa NHCSXH và Hội đoàn thể nhận ủy thác, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, đạt hiệu quả cao. Góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội. Tính đến ngày 31/3/2024, Tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn tỉnh là 3.306 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương: 195 tỷ đồng, tăng 38,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 108,05% kế hoạch được giao năm 2024; chiếm tỷ trọng 5,89%/tổng nguồn vốn; Tổng dư nợ đạt 3.299.820 triệu đồng, tăng 98.595 triệu đồng so với đầu năm, hoàn thành 51,73% kế hoạch tăng trưởng năm 2024.
Tại hội nghị tập huấn, gần 60 cán cán bộ hội, đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được nghe lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh giới thiệu tổng quan về NHCSXH và giới thiệu tóm tắt chương trình tín dụng đang thực hiện tại NHCSXH tỉnh Hà Nam; Giải pháp nâng cao vai trò đối với tổ chức hội đoàn thể cấp huyện; hướng dẫn phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác theo công văn 10566; Hướng dẫn chấm điểm, đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác theo công văn 10567; Hướng dẫn sắp xếp hồ sơ theo văn bản 3920; Hướng dẫn điều chỉnh hoạt động tiền gửi thông qua tổ TK&VV theo văn bản 1667; một số lưu ý trong tổ chức hoạt động và quản lý hoạt động tổ TK&VV.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực tiễn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thông qua tập huấn nhằm giúp các cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác nắm vững về chính sách tín dụng ưu đãi cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cũng như tổ chức và hoạt động của NHCSXH; nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc để áp dụng vào thực tiễn tại địa phương và quản lý nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, từ đó đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp tốt với Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động ủy thác trên địa bàn./.