Tại buổi toạ đàm, đồng chí Lại Thị Thanh Hương – Uỷ viên BTV Thành uỷ - Trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ, GĐ Trung tâm chính trị thành phố thông tin về công tác phát triển văn hóa đọc trong thời đại số tại thành phố Phủ Lý trong thời gian qua. Theo đó, các hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP luôn được chú trọng tổ chức. Hàng năm, các chương trình hoạt động trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại địa phương luôn được tập trung thực hiện.… Thông qua buổi tọa đàm góp phần tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm xác định được những định hướng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là trong giai đoạn tập trung chuyển đổi số như hiện nay.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm đã tham gia thảo luận nhiều nội dung như: Việc triển khai đẩy mạnh hoạt động đọc sách, giới thiệu sách và các hoạt động khác phù hợp với chương trình của từng bậc học, cấp học; Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc và nhân rộng mô hình điển hình về xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc, đưa tin biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hoá đọc, tôn vinh người có nhiều đóng góp cho sự phát triển thư viện; Việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên về phát triển văn hoá đọc trong thời đại số…Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Phúc Thảo – Phó Bí thư TT Thành uỷ đề nghị các cấp uỷ đảng tiếp tục quán triệt, nâng cao vai trò tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển kinh tế xã hội, phát triển con người. Tăng cường công tác chỉ đạo củng cố kiện toàn hệ thống thư viện từ TP đến cơ sở theo hướng hiện đại thân thiện, tạo điều kiện tối đa cho người đọc; Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, của gia đình, nhà trường của cộng đồng xã hội về vai trò tầm quan trọng của văn hoá đọc; Đẩy mạnh hưởng ứng ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam, tổ chức các hoạt động đa dạng phong phú để tôn vinh giá trị đọc sách, tuyên truyền sâu rộng vai trò của việc đọc sách đối với các tầng lớp nhân dân...
Qua buổi toạ đàm, góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển văn hoá đọc, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; Lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam./.