Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Dự tại điểm cầu Thành phố có đồng chí Nguyễn Đức Toàn – UVBTV tỉnh uỷ – Bí thư thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Trương Quốc Bảo – Tỉnh ủy viên – Phó bí thư thành ủy – Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong Thường trực Thành ủy; Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ bộ thành phố; trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; các đồng chí là Bí thư, phó bí thư các Chi, Đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp, trường học trực thuộc Đảng bộ thành phố. Hội nghị cũng đã trực tuyến tới 21 điểm cầu các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 sẽ đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quản lý đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Nghị quyết có kết cầu gồm 4 phần, liên quan chặt chẽ với nhau: Tình hình và nguyên nhân; Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn; Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; Tổ chức thực hiện.
Theo đó, khi thực hiện Nghị quyết 06, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sẽ đi trước một bước và đảm bảo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Thể chế mới cũng sẽ được hoàn thiện để kiên quyết xóa tư duy nhiệm kỳ và tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho", lợi ích nhóm trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Để làm được các nhiệm vụ này, Nghị quyết 06 cho phép phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền đô thị, phát huy khai thác tốt nguồn lực từ chính đô thị, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, phát triển đô thị.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu 45% với 950-1.000 đô thị, đến năm 2030, Việt Nam đạt trên 50% với 1.000-1.200 đô thị. Cũng đến 2030, Việt Nam sẽ hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế… Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: Việc đồng chí Thường trực Ban Bí thư triệu tập Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Trong bối cảnh mới như hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Tác giả bài viết: Anh Đào- Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn