Tại điểm cầu thành phố phủ Lý, dự hội nghị có đồng chí Trương Quốc Bảo - Tỉnh ủy viên- Phó Bí thư Thành ủy- Chủ tịch UBND thành phố; Đồng chí Phạm Văn Quân- UVBTV Thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND thành phố, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị: Quản lý đô thị, Kinh tế, Tài nguyên- Môi trường, Giáo dục- Đào tạo, Tài chính- Kế hoạch, Quân sự, Y tế, Văn hoá- Thông tin..; Các đồng chí lãnh đạo Công an thành phố, cán bộ chiến sỹ đội cảnh sát PCCC &CNCH công an thành phố và và Trưởng Công an các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm nhiều người chết; gần đây nhất là vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022... Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Trước tình hình đó, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức Hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác PCCC và kết quả sau 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm gì; trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực PCCC, cứu hộ cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.