Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đau thương, mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang. Trong 2 ngày diễn ra Quốc tang, cùng với cả nước, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thành phố Phủ Lý đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực để bày tỏ niềm kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo chương trình Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng lúc tại 3 địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM; quê nhà Tổng Bí thư ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, nơi diễn ra Lễ truy điệu chính đã được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức Quốc tang. Sau khi hoàn tất các nghi thức, Di hài Tổng Bí thư đã được đưa về Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội. Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn lúc 15 giờ tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi đã để lại nỗi mất mát vô hạn nhưng những cống hiến của cả cuộc đời ông đã để lại cho toàn Đảng và quân dân cả nước một sự nghiệp đồ sộ về lý luận, văn hóa, sự nghiệp xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Những đức tính cao đẹp, lối sống giản dị và đạo đức Cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ tổ quốc, phụng sự nhân dân của Tổng Bí thư sẽ được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung và Thành phố Phủ Lý nói riêng học tập và noi theo.