Báo cáo đề dẫn tọa đàm khẳng định: Những năm qua, các trung tâm chính trị cấp huyện đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ như tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy học tập; phối hợp tổ chức mở lớp, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy; đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm các trung tâm chính trị cấp huyện trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên cơ sở. Các trung tâm đã phối hợp với các ban xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch chiêu sinh, lịch giảng dạy, học tập, phân bài cho giảng viên. Nội dung bài học ở từng lớp được bố trí cân đối, có dành thời gian hệ thống, giải đáp, hướng dẫn ôn tập, kiểm tra đánh giá chất lượng, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình nghiêm túc… Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng Đảng trên cả 5 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất là trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; đội ngũ giảng viên một số trung tâm được đào tạo chuyên ngành cơ bản còn thiếu, lại không ổn định; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học có nơi còn thiếu và xuống cấp. Kinh phí phục vụ cho hoạt động còn chưa đáp với yêu cầu và nhiệm vụ. Chế độ chính sách hiện hành đối với cán bộ, giảng viên chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đơn vị sự nghiệp làm công tác giáo dục lý luận chính trị…. Những hạn chế, bất cập trên đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ những kết quả, thuận lợi, cũng như khó khăn, bất cập trong công tác giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm, chính trị cấp huyện như việc xây dựng kế hoạch, rà soát đối tượng, phối hợp chiêu sinh mở lớp; việc tổ chức thực hiện nội dung chương trình, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức, giảng viên chuyên trách; xây dựng, sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy, công tác quản lý, phát huy tính tích cực của học viên trong học tập; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập …Các ý kiến phát biểu đã phân tích đánh giá những thuận lợi, khăn; những kết quả đã đạt được; những tồn tại, hạn chế và kinh nghiệm rút ra trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm chính trị thời gian qua; đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tớí.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hải Long, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị: Ban tuyên giáo, TTCT các huyện, thị, thành ủy tiếp tục quán triệt sâu sắc văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác GDCT; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Cấp ủy các cấp coi trọng chỉ đạo, kiểm tra xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về lý luận, thực tiễn cho CBĐV; tiếp tục quan tâm chăm lo về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trung tâm theo hướng chuẩn hóa để bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập LLCT. Cùng đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại TTCT cấp huyện nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cách mạng, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Trên cơ sở hướng dẫn công tác GDLLCT của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hằng năm, TTCT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm túc quy định nền nếp dạy và học; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT theo hướng lấy học viên làm trung tâm, tăng cường đối thoại, hướng dẫn xử lý tình huống; quán triệt, thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành” ở từng địa phương. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng soạn giáo án điện tử. Mặt khác, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, khảo sát, dự giờ chuyên môn tại các TTCT nhằm đánh giá, trao đổi, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT theo hướng phù hợp, hiệu quả…