Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua, các đơn vị, địa phương và các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh đã nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn VietGap và các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhiều hợp tác xã đã có những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện các phong trào thi đua thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Xác định: Vấn đề sản xuất nông nghiệp không an toàn lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu đang là một trong những vấn nạn của ngành nông nghiệp có tác động xấu trực tiếp tới môi trường vì sẽ tạo ra những sản phẩm không an toàn, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng về vấn đề sức khỏe, dẫn đến ảnh hưởng chung cho cả cộng đồng và xã hội. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn ngày càng nhiều trong mọi gia đình, nhà máy xí nghiệp, trường học... Vốn sinh ra từ một gia đình làm nông nghiệp, trên cương vị phó giám đốc trung tâm nông nghiệp TP Phủ Lý, chị Nguyễn Thị Phương Liên (SN 1983) đã ấp ủ ước mơ về một HTX nông sản an toàn, sản xuất rau quả sạch, hạn chế phân vô cơ và thuốc trừ sâu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Với đặc điểm của quê hương có dải đất ven sông Đáy màu mỡ phù sa nhưng mỗi người dân địa phương lại sở hữu diện tích quá nhỏ nên không thiết tha sản xuất, nhiều diện tích bỏ hoang hoặc có trồng nhưng chăm sóc không thuận tiện nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Đáp ứng nguyện vọng của bà con có diện tích vùng đất bãi công điền bờ sông của xóm 7, xóm 8, xóm 10- xã Thi Sơn- Huyện Kim Bảng, lại vừa phù hợp với ý tưởng sản xuất của mình, cùng với chủ trương tích tụ ruộng đất, năm 2016 chị Liên đã mạnh dạn thuê lại và cải tạo 5 ha đất ruộng thuê của các xã viên để sản xuất rau củ quả an toàn. Năm 2017 gia đình chị Liên tiếp tục đầu tư thêm 100 m2 nhà kính để chủ động trong khâu sản xuất cây giống. Sản xuất cây con dùng giá thể và gieo trên khay xốp nên chất lượng cây con tốt, độ đồng đều cao. Sản xuất trong nhà lưới, ngoài trời áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGap và VietGap. Chị đã mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất như dùng màng vải không dệt của Nhật, màng phủ nilon, tưới phun mưa, hệ thống ống tưới phun toàn bộ diện tích. Trong quá trình sản xuất, chị đã chỉ đạo công nhân tiến hành ghi chép nhật ký đầy đủ để giúp cho việc truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm được minh bạch hơn. Do đó các khâu gieo trồng, chăm sóc và bán ra thị trường đều được kiểm duyệt kỹ càng, được người tiêu dùng và các đại lý yên tâm tin tưởng. Năm 2018, chị tiếp tục mạnh dạn xây dựng 140 m2 nhà sơ chế để sơ chế sản phẩm sản xuất ra đạt theo tiêu chuẩn quy định và theo yêu cầu của khách hàng. Năm 2022 chị Liên tiếp tục đầu tư thêm gần 2.000m2 nhà kính để chủ động trong khâu sản xuất những cây trồng trái vụ. Sau khi nhà sơ chế đi vào hoạt động, sản phẩm của HTX được sơ chế, đóng gói đã đem đến sự hài lòng cho người tiêu dùng. Trên mỗi sản phẩm đều được dán tem nhãn mác giúp cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm được dễ dàng, khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Do quá trình sản xuất chị Liên đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn nên chất lượng nông sản được nâng cao và an toàn cho người sử dụng được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Địa điểm sản xuất rất thuận tiện giao thông nên giá cả cạnh tranh. Sản phẩm của HTX tham gia hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam năm 2019.
Để người tiêu dùng biết đến và được tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm an toàn mà HTX Liên Hiệp làm ra, 6 năm qua, được sự hỗ trợ của UBND huyện Kim Bảng, chị Liên và gia đình đã mạnh dạn đầu tư cửa hàng cung ứng rau quả sạch tại chợ Thi Sơn. Đến nay chuỗi cung ứng của chị trải khắp 6 huyện, thị xã, thành phố được rất nhiều chợ, siêu thị, bếp ăn công ty đặt mua rau sạch thường xuyên. Các cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của chị ngày một đa dạng hơn về sản phẩm và mẫu mã, chủng loại. Sản phẩm giới thiệu tại cửa hàng không chỉ là các sản phẩm của HTX mà còn có các sản phẩm của các địa phương sản xuất nông sản an toàn khác trên địa bàn tỉnh và một số sản phẩm đặc sản của các vùng miền trong cả nước.
Không dừng lại ở mức sản xuất ra sản phẩm chỉ để tiêu thụ trong nước mà HTX còn muốn sản phẩm của mình xuất khẩu để các nước biết đến rau củ của Việt Nam. Vụ đông năm 2019 dưới sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Nam, HTX xây dựng mô hình sản xuất bắp cải vụ đông ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ theo tiêu chuẩn GlobalGap với nguồn kinh phí hỗ trợ của sự nghiệp khoa học tỉnh Hà Nam. Hợp tác xã đã ký kết với công ty Vineco để đưa sản phẩm bắp cải trắng xuất sang Nhật Bản. Hợp tác xã cho rằng đây là hướng đi mới cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khi có hợp đồng đầu ra ổn định thì thu nhập của HTX cũng được đảm bảo. Từ Vụ đông 2019 HTX nông sản Liên Hiệp đã xuất khẩu được gần 100 tấn bắp cải trắng sang thị trường Nhật Bản. Chị Liên cùng chồng không ngừng học hỏi tìm tòi những giống rau củ quả mới, những phương pháp, kỹ thuật sản xuất mới để phong phú, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm như củ cải Hàn Quốc, đậu bắp, măng tây, để có hướng cung ứng chuỗi sản phẩm cho thị trường. HTX nông sản an toàn Liên Hiệp của gia đình chị thường xuyên tham gia các buổi hội thảo khoa học kỹ thuật, hội thảo xúc tiến thương mại của các cơ quan trong tỉnh tổ chức qua đó có dịp được quảng bá sản phẩm của mình, được gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học, các đối tác thu mua để có kế hoạch phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và kết tinh được các thành quả khoa học kỹ thuật trong đó; Đến nay nhiều mối rau sạch đã được HTX ký kết với tinh thần mang đến cho người tiêu dùng chất lượng nông sản an toàn, dinh dưỡng, giá thành hợp lý nhất.
Đến thời điểm này, HTX đang giải quyết việc làm cho trên 10 lao động tại điạ phương với thu nhập bình quân 5- 6 triệu đồng/ tháng. Bằng sự tâm huyết, tích cực của người phụ nữ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, sự ủng hộ cao của chồng và gia đình nên có thể khẳng định đến thời điểm này mô hình HTX nông sản an toàn Liên Hiệp của chị Liên đã đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Trừ các khoản chi phí, mô hình HTX của chị đã cho thu nhập từ 400- 500 triệu đồng/năm. Chị Liên và gia đình cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc tham quan tại ruộng sản xuất cho các khách hàng, người tiêu dùng trực tiếp để họ hiểu hơn về quá trình sản xuất ra một sản phẩm an toàn qua đó củng cố được niềm tin của khách hàng. Mặc dù thực tế đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại nhưng bằng sự quyết tâm cố gắng của bản thân và các thành viên trong hợp tác xã, đến nay chị Liên và gia đình đã thành công với mô hình HTX nông sản an toàn Liên Hiệp đang dần từng bước ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, từ những chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh Hà Nam, HTX cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh.
Với những nỗ lực trong phát triển sản xuất, HTX nông sản an toàn Liên Hiệp của gia đình chị Liên đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Hội nông dân các cấp. Chị Liên chia sẻ: Để có được kết quả trên đó là sự mạnh dạn trong tư duy, sự đổi mới trong cách làm, sự nắm bắt những ưu thế của địa phương và lợi thế về lao động, các loại sản phẩm nông nghiệp bản địa của HTX phù hợp với nhu cầu thị trường, cho giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện để tôi và gia đình tiếp tục đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt là liên kết theo chuỗi giá trị, đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương./.