Theo báo cáo đã được công nhận, Bia đá chùa Giàu (thôn 2- xã Đinh Xá- Thành phố Phủ Lý) nằm trong khuôn viên chùa Giàu. Bia được dựng vào năm Bính Ngọ (Năm 1366) đời vua Trần Dụ Tông. Bia có kích thước cao 1m, rộng 0,59m, dày 0,12m. Bia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, cung cấp các tư liệu quý hiếm về ký tự học và mỹ thuật, các chữ viết thời Trần và chữ Nôm khắc trong văn bia, là tấm bia duy nhất được tạo tác khắc nổi chân dung một vị hoàng đế thời Trần. Bia đá chùa Giàu chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ngày 30/1/2023 công nhận là Bảo vật Quốc gia. Trong tuần lễ văn hóa Việt Nam- Nhật Bản tổ chức vào ngày 14/5/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia bia chùa Giàu cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy- UBND Tỉnh Hà Nam.
Tại buổi lễ, các vị đại biểu khách quý và đông đảo tăng ni, phật tử đã được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên đến từ các đơn vị, địa phương biểu diễn.
Sau phần công bố Quyết định của Thủ tướng chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia bia đá chùa Giàu, thay mặt lãnh đạo Tỉnh Hà Nam, đồng chí Tạ Đình Quyền – Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du dịch đã trao Quyết định cho lãnh đạo UBND xã Đinh Xá, cùng Ban quản lý di tích chùa Giàu.
Thay mặt lãnh đạo Thành ủy- HĐND-UBND-UBMTTQ Thành phố Phủ Lý, đồng chí Phạm Văn Quân- UV BTV Thành ủy- Phó chủ tịch UBND Thành phố đã phát biểu, tặng hoa và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đinh Xá. Đồng chí cũng đề nghị sau buổi đón nhận, UBND xã cùng ban quản lý di tích và nhân dân địa phương tiếp tục tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về Bảo vật đối với du khách trong nước và quốc tế, tuyên truyền sâu rộng Luật di sản văn hóa và các quy định của pháp luật về việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị của Bảo vật. Có biện pháp lắp đặt camera an ninh và giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bảo vật. Ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị chuyên dụng đặc biệt ở khu vực trưng bày bảo vật, đảm bảo tính khoa học, pháp lý cao…
Như vậy đến thời điểm này Tỉnh Hà Nam có 4 bảo vật Quốc gia (gồm: Trống đồng Ngọc Lũ, Trống đồng Tiên Nội, Bia sùng Thiện Diên Linh và bia đá chùa Giàu); 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Quần thể di tích Long Đọi Sơn và đền Trần Thương), cùng 95 di tích cấp Quốc gia, 133 di tích cấp Tỉnh. Đây là niềm vinh dự lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cha ông, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp cán bộ và dân dân toàn Tỉnh./